Với chủ đề của năm 2023 được công bố từ đầu năm là các sản phẩm tiêu biểu hướng về kỹ thuật y tế chuyên sâu, sau hơn 4 tháng triển khai, Chương trình bình chọn Giải thưởng thành tựu Y khoa Việt Nam lần thứ 4 – năm 2023 đã nhận được 83 đề tài đăng ký tham dự đến từ 42 đơn vị y tế trên địa bàn TPHCM, ngoài ra còn có các sản phẩm đến từ tỉnh Long An và Hậu Giang. Sau khi đánh giá, thảo luận và thống nhất, Hội đồng chuyên môn Sở Y tế TPHCM đã chính thức chọn ra 19 sản phẩm tiêu biểu nhất để được Đài tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH) giới thiệu rộng rãi đến người dân và bạn nghe đài bình chọn xếp hạng.
Dưới đây là danh sách 19 sản phẩm tiêu biểu sẽ được VOH tổ chức giới thiệu rộng rãi để xác định 10 sản phẩm được người dân bình chọn với số phiếu cao nhất xứng đáng nhận Giải thưởng “Thành tựu y khoa Việt Nam lần 4 – năm 2023, cụ thể như sau:
MỤC LỤC
- 1 1. Thành tựu y khoa: Âm ngữ trị liệu – Phục hồi giao tiếp nhằm đem lại ý nghĩa cuộc sống cho người sau đột quỵ (BV An Bình)
- 2 2. Thành tựu y khoa: Bảo tồn thành công tử cung bị thai bám sẹo mổ lấy thai bằng kỹ thuật nội soi ổ bụng (BV Từ Dũ)
- 3 3. Thành tựu y khoa: Bước đầu ứng dụng công nghệ in 3D trong chế tạo dụng cụ chỉnh hình cho trẻ em (BV Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp)
- 4 4. Thành tựu y khoa: Can thiệp dị dạng mạch máu bằng phương pháp tiêm cồn (BV Nhân dân Gia Định)
- 5 5. Thành tựu y khoa: Can thiệp điện sinh lý tim – bước đột phá trong điều trị và phòng ngừa đột tử do rối loạn nhịp tim ở trẻ em (BV Nhi Đồng 1)
- 6 6. Thành tựu y khoa: Can thiệp thay van động mạch phổi qua da trên người bệnh hở van động mạch phổi nặng sau phẫu thuật sửa chữa tứ chứng Fallot (BV Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh)
- 7 7. Thành tựu y khoa: Chặng đường 30 năm để giảm tỷ lệ tử vong bệnh uốn ván tại các cơ sở y tế (BV Bệnh Nhiệt đới)
- 8 8. Thành tựu y khoa: Chọn lọc phôi không mang gen bệnh bằng kỹ thuật xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (PGT-M) mang nhiều hy vọng cho các cặp vợ chồng thụ tinh ống nghiệm (BV Mỹ Đức)
- 9 9. Thành tựu y khoa: Giảm nguy cơ đặt nội khí quản và chi phí điều trị ở trẻ sinh rất non với phác đồ giờ vàng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM (BV Tâm Anh)
- 10 10. Thành tựu y khoa: Hút chân không dưới siêu âm sang thương vú: giải pháp hiệu quả, an toàn và thẩm mỹ (BV Hùng Vương)
- 11 11. Thành tựu y khoa: Phát triển Trung tâm ghép tạng trẻ em (BV Nhi Đồng 2)
- 12 12. Thành tựu y khoa: Phẫu thuật bảo tồn sinh sản trong ung thư cổ tử cung tại bệnh viện Ung Bướu (BV Ung Bướu TPHCM)
- 13 13. Thành tựu y khoa: Phẫu thuật bắt cầu mạch vành ít xâm lấn (Viện Tim TPHCM)
- 14 14. Thành tựu y khoa: Phổ biến điều trị bàn chân khoèo bằng phương pháp Ponseti (BV Chấn thương Chỉnh hình)
- 15 15. Thành tựu y khoa: Phối hợp Sản – Nhi can thiệp ngoài tử cung lúc sanh cứu sống trẻ sơ sinh khi chưa rời khỏi bụng mẹ (BV Từ Dũ – BV Nhi Đồng 1)
- 16 16. Thành tựu y khoa: Rối loạn chuyển hoá bẩm sinh – Hành trình tìm lại sự sống (BV Nhi Đồng 1)
- 17 17. Thành tựu y khoa: Trung tâm sinh lý thần kinh lâm sàng: mô hình chăm sóc mới cho người Việt, từ đột quỵ đến trầm cảm – những căn bệnh của thời đại (BV Quân Y 175)
- 18 18. Thành tựu y khoa: Phẫu thuật điều trị bệnh lý xốp xơ tai (BV Tai Mũi Họng)
- 19 19. Thành tựu y khoa: Ứng dụng phương pháp phẫu thuật mở góc tiền phòng kết hợp rửa góc tiền phòng trong điều trị Glocom thứ phát do Corticoid (BV Mắt)
1. Thành tựu y khoa: Âm ngữ trị liệu – Phục hồi giao tiếp nhằm đem lại ý nghĩa cuộc sống cho người sau đột quỵ (BV An Bình)
Người sau đột quỵ thường gặp vấn đề về ngôn ngữ cũng như khả năng giao tiếp khiến cho họ gặp khó khăn trong việc tái hoà nhập với đời sống gia đình, cộng đồng và xã hội dẫn đến cảm giác bị cô lập và trầm cảm. Âm ngữ trị liệu là ngành khoa học nghiên cứu và phục hồi chức năng nhằm cải thiện và nâng cao khả năng giao tiếp của người sau đột quỵ. Sau hơn 2 năm triển khai, Bệnh viện đã thực hiện thành công cho gần 300 trường hợp và từ đó giúp cho người bệnh sau đột quỵ cải thiện được khả năng giao tiếp cũng như tiếp thêm năng lượng tích cực cho họ và gia đình trong cuộc sống.
2. Thành tựu y khoa: Bảo tồn thành công tử cung bị thai bám sẹo mổ lấy thai bằng kỹ thuật nội soi ổ bụng (BV Từ Dũ)
Khi thai phụ đến khám trễ (thai 3 tháng rưỡi) và được bệnh viện phát hiện thai bám ở vết sẹo trên tử cung do mổ lấy thai lần trước. Nếu không phát hiện kịp thời và không can thiệp sẽ nguy hiểm đến tính mạng của phụ nữ vì có nguy cơ chảy máu ồ ạt hoặc vỡ tử cung khi thai lớn. Vì vậy, việc can thiệp lấy thai là bắt buộc và nếu phẫu thuật lấy thai với phương pháp mổ hở sẽ khó khăn hơn, mất máu nhiều và có thể phải cắt bỏ tử cung, dẫn đến nguy cơ không còn cơ hội mang thai. Ngày nay, với kỹ thuật phẫu thuật nội soi có thắt động mạch hạ vị, đầu tiên được thực hiện tại Bệnh viện Từ Dũ đã giữ lại thành công tử cung cho hơn 10 phụ nữ bị thai bám sẹo mổ lấy thai từ 2 tháng đến 3 tháng rưỡi. Với kỹ thuật này giúp người bệnh tránh phải mổ hở, giảm đau, giảm thời gian nằm viện, chi phí điều trị, giảm nguy cơ nhiễm trùng hậu phẫu, nhanh chóng trở lại với sinh hoạt hàng ngày và hơn hết là vẫn giữ lại được tử cung để có thể tiếp tục mang thai trong tương lai.
3. Thành tựu y khoa: Bước đầu ứng dụng công nghệ in 3D trong chế tạo dụng cụ chỉnh hình cho trẻ em (BV Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp)
Từ năm 2020, Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp đã bắt đầu ứng dụng công nghệ in 3D vào quy trình sản xuất các dụng cụ chỉnh hình. Công nghệ này đang được các nước tiên tiến trên thế giới sử dụng, nhưng tại Việt Nam Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp là bệnh viện đầu tiên triển khai ứng dụng. Với công nghệ in 3D, các bệnh nhi được tiếp nhận các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng về chất liệu, độ chính xác cao, gọn nhẹ, thẩm mỹ và giá thành cạnh tranh. Bên cạnh đó, các bệnh nhi sẽ giảm thời gian chờ đợi để tiếp nhận và sử dụng sản phẩm dụng cụ chỉnh hình. Hiện nay Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp đã chế tạo được các loại nẹp đơn giản như: nẹp AFO, miếng lót bàn chân dùng trong các trường hợp dị dạng bàn chân, dụng cụ chỉnh hình chi trên và chi dưới. Trong suốt quá trình phát triển, bệnh viện đã không ngừng nghiên cứu, cải tiến nhằm sản xuất các sản phẩm phức tạp hơn như áo nẹp nắn chỉnh cho trẻ em bị vẹo cột sống vô căn bằng công nghệ in 3D. Đây là một bước tiến mới của Thành phố Hồ Chí Minh, tiên phong đi đầu trong cả nước về ứng dụng công nghệ in 3D trong sản xuất dụng cụ chỉnh hình phục vụ nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân.
4. Thành tựu y khoa: Can thiệp dị dạng mạch máu bằng phương pháp tiêm cồn (BV Nhân dân Gia Định)
Trên thế giới, dị dạng mạch máu chiếm tỷ lệ 1% dân số. Trước đây, người bệnh bị dị dạng mạch máu, có rất ít sự lựa chọn để điều trị, người bệnh thường đi đến nhiều bệnh viện để tìm các phương pháp điều trị thích hợp. Với những trường hợp dị dạng mạch máu nhỏ như bướu máu nhỏ khu trú dưới da có thể mổ để lấy ra dễ dàng, nhưng thường các dị dạng mách máu rất phức tạp, ảnh hưởng đến xương, cơ và biến dạng về mạch. Việc phẫu thuật được xem là phương pháp lựa chọn duy nhất để can thiệp. Từ năm 2016, với sự giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài, Bệnh viện Nhân dân Gia Định đã chính thức áp dụng kỹ thuật điều trị dị dạng mạch máu bằng phương pháp tiêm cồn, giúp điều trị thành công nhiều trường hợp. Tỷ lệ thành công đạt 90% đối với dị dạng chung, tỷ lệ biến chứng thấp (<2%). Ngoài ra với kỹ thuật điều trị dị dạng mạch máu bằng phương pháp tiêm cồn có giá thành thấp.
5. Thành tựu y khoa: Can thiệp điện sinh lý tim – bước đột phá trong điều trị và phòng ngừa đột tử do rối loạn nhịp tim ở trẻ em (BV Nhi Đồng 1)
Rối loạn nhịp là một nguyên nhân thường gặp gây đột tử ở trẻ em. Hằng năm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận từ 100 đến 200 em bị ngất, rối loạn nhịp nguy hiểm với nguy cơ đột tử đến khám và điều trị. Trước đây trẻ phải uống thuốc gần như suốt đời với kết quả điều trị rất kém hoặc phải ra nước ngoài can thiệp. Quy trình can thiệp điện sinh lý được triển khai tại Bệnh viện Nhi đồng 1 từ năm 2019 được tiến hành tại bệnh viện với số ca tăng dần hằng năm. Hiện đã có hơn 300 trẻ có bệnh lý rối loạn nhịp được áp dụng can thiệp điện sinh lý với tỷ lệ thành công trên 90% và tái phát dưới 10%. Trẻ “được trả lại” cuộc sống hoàn toàn bình thường sau điều trị, không còn những giới hạn về sinh hoạt và vận động. Phương pháp này là cứu cánh cho các gia đình không may có trẻ bị rối loạn nhịp; một nhóm bệnh rất nặng với diễn tiến bất ngờ. Điều trị thành công giúp thay đổi hoàn toàn chất lượng sống của trẻ: không còn nhập khoa cấp cứu, không còn sốc điện hoặc sử dụng thuốc. Trẻ em hoàn toàn có thể tham gia các hoạt động thể thao, du lịch hoặc học tập mà không còn bị hạn chế nghiêm ngặt như trước.
6. Thành tựu y khoa: Can thiệp thay van động mạch phổi qua da trên người bệnh hở van động mạch phổi nặng sau phẫu thuật sửa chữa tứ chứng Fallot (BV Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh)
Ước tính hằng năm có khoảng 200-250 người bệnh sau phẫu thuật sửa chữa Tứ chứng Fallot. Sau phẫu thuật sửa chữa lần đầu, người bệnh có nguy cơ hở van động mạch phổi thứ phát sau sửa chữa nặng dẫn đến hạn chế hoạt động thể lực, suy tim, đột tử. Phương pháp điều trị hở van động mạch phổi được áp dụng rộng rãi tại nhiều trung tâm hiện nay là phẫu thuật tim hở để thay van động mạch phổi. Tuy nhiên, người bệnh sẽ phải đối mặt với các nguy cơ của một cuộc phẫu thuật mở ngực lại. Phương pháp thay van động mạch phổi qua da được thực hiện đã giúp giảm bớt những nguy cơ liên quan đến phẫu thuật tim hở, giảm thời gian nằm hồi sức và thời gian nằm viện, cải thiện chất lượng điều trị. Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh là bệnh viện đầu tiên tại Việt Nam độc lập thực hiện kỹ thuật thay van động mạch phổi qua da trên người bệnh hở van động mạch phổi sau phẫu thuật sửa chữa Tứ chứng Fallot. Việc thực hiện thành công phương pháp này là một bước tiến lớn trong việc quản lý và điều trị cho người bệnh hở van động mạch phổi tại Việt Nam, mang đến cho người bệnh cơ hội chọn lựa phương pháp điều trị ít xâm lấn, giảm bớt nguy cơ phẫu thuật.
7. Thành tựu y khoa: Chặng đường 30 năm để giảm tỷ lệ tử vong bệnh uốn ván tại các cơ sở y tế (BV Bệnh Nhiệt đới)
Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng với tỷ lệ tử vong cao. Số ca mắc bệnh uốn ván và tử vong do uốn ván trên toàn cầu đang giảm dần qua từng năm và con số này cũng đã giảm đến 88% trong vòng 30 năm. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới qua hơn 30 năm điều trị bệnh uốn ván với hàng trăm nghiên cứu về chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh, đã cải thiện rõ rệt tỉ lệ bệnh uốn ván từ trên 30% xuống còn dưới 1% như hiện nay. Đặc biệt là uốn ván sơ sinh. Hiện tại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới là trung tâm điều trị bệnh uốn ván hàng đầu khu vực từ miền Trung trở vào, ngoài ra Bệnh viện luôn coi trọng công tác chuyển giao kĩ thuật chẩn đoán và điều trị bệnh uốn ván với các bệnh viện khác. Các bệnh viện nhận chuyển giao triển khai đã tiếp nhận và điều trị thành công bệnh uốn ván, đặc biệt là uốn ván nặng do đó tỉ lệ chuyển tuyến giảm rõ rệt, giúp nâng cao năng lực điều trị của các bệnh viện tuyến trước và giảm chi phí điều trị.
8. Thành tựu y khoa: Chọn lọc phôi không mang gen bệnh bằng kỹ thuật xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (PGT-M) mang nhiều hy vọng cho các cặp vợ chồng thụ tinh ống nghiệm (BV Mỹ Đức)
Tại bệnh viện Mỹ Đức, khi người bệnh có một trong các tiền sử bệnh như từng chấm dứt thai kỳ, từng sinh con mắc bệnh di truyền, gia đình có tiền sử mắc bệnh di truyền, bố và mẹ là người lành mang gen bệnh cùng một bệnh lý di truyền sẽ được tổ tư vấn di truyền phối hợp với bác sĩ tư vấn để xác định đúng bệnh. Bệnh lý di truyền đơn gen có tần suất mắc bệnh rất thấp nhưng gây hậu quả nghiêm trọng như sẩy thai liên tiếp, tử vong sau sinh hay dị tật bẩm sinh nặng nề. Khi bố và mẹ là người lành mang gen bệnh sẽ có xác suất 25% con sinh ra mắc bệnh. Với thành tựu y học hiện đại, Bệnh viện Đa khoa Mỹ Đức đã vận dụng kết hợp kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và xét nghiệm di truyền phôi tiền làm tổ cho bệnh đơn gen (PGT-M) để lựa chọn phôi không mang kiểu gen gây bệnh, từ đó ra nhiều hy vọng về việc có thể sinh ra những em bé khỏe mạnh. Tính đến tháng 06/2023, Bệnh viện Mỹ Đức đã thực hiện PGT – M cho 169 ca, gồm 127 ca thalassemia trong đó 31 ca sinh sống, 6 ca đang mang thai và 42 ca bệnh hiếm trong đó 10 ca sinh sống và 4 ca đang mang thai.
9. Thành tựu y khoa: Giảm nguy cơ đặt nội khí quản và chi phí điều trị ở trẻ sinh rất non với phác đồ giờ vàng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM (BV Tâm Anh)
Ngay sau sinh, trẻ sinh non gặp nhiều thách thức hơn trẻ đủ tháng. Sau sanh trẻ không khóc, thở yếu, sức cơ yếu, tỷ lệ cần hồi sức cao hơn, các biến chứng sau hồi sức nhiều hơn. Đặc biệt trẻ cực nhẹ cân (<1.000gr), dễ bị hạ thân nhiệt, thiếu oxy, khó thông khí đủ do phổi thiếu surfactant, dễ bị nhiễm trùng, dễ xuất huyết não…Phác đồ “giờ vàng” tập hợp những kiến thức, kỹ năng hướng dẫn chăm sóc trẻ sinh non tích cực trong 60 phút đầu sau sinh, nhằm tăng hiệu quả chăm sóc, điều trị, giảm thiểu nguy cơ di chứng về sức khỏe cho trẻ. Phác đồ “giờ vàng” bao gồm: kẹp rốn muộn, phòng ngừa hạ thân nhiệt, hỗ trợ hô hấp với phương pháp không xâm lấn, hỗ trợ dinh dưỡng tĩnh mạch dung dịch đường, và phòng nhiễm trùng huyết. Trong hai năm 2021-2022, khoa Hồi sức sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM áp dụng phác đồ “giờ vàng” cho trẻ sinh rất non. Theo dõi trên 75 trẻ có tuổi thai trung bình từ 27,5-28 tuần đã điều trị thành công, cho thấy tỷ lệ trẻ phải đặt nội khí quản giảm từ 62,5% xuống còn 26%; tỷ lệ dùng surfactant thay thế sau sinh giảm từ 40% xuống còn 20,9%; tỷ lệ ấn tim, truyền epinephrine và tràn khí màng phổi rất thấp. Ngoài ra, chi phí điều trị trung bình giảm khoảng 30%-40%.
10. Thành tựu y khoa: Hút chân không dưới siêu âm sang thương vú: giải pháp hiệu quả, an toàn và thẩm mỹ (BV Hùng Vương)
Tại bệnh viện Hùng Vương, việc sinh thiết vú dưới hướng dẫn của siêu âm với hỗ trợ hút chân không (VABB) được dùng thay thế sinh thiết mở đối với sang thương dạng khối và thay thế mổ cắt u đối với tổn thương lành tính. Tính đến nay, Bệnh viện đã thực hiện thành công 400 ca. Đây là một phương pháp chẩn đoán và điều trị ít biến chứng, người bệnh chọn lựa do tính thẩm mỹ cao và có thể lấy mẫu mô lớn nên cho kết quả giải phẫu bệnh chẩn đoán chính xác.
11. Thành tựu y khoa: Phát triển Trung tâm ghép tạng trẻ em (BV Nhi Đồng 2)
Ghép tạng trẻ em tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã bắt đầu khá sớm từ năm 2004 đối với ghép thận và từ năm 2005 đối với ghép gan, với sự hỗ trợ chuyên môn từ các chuyên gia đầu ngành đến từ Bỉ và Pháp. Bệnh viện đã tập trung đào tạo đội ngũ nhân sự đa chuyên khoa, có tay nghề cao và chuyên sâu, dần hoàn thiện về kỹ thuật và quy trình ghép tạng. Nhờ đó, Bệnh viện đã thực hiện thành công nhiều trường hợp ghép tạng giúp các trẻ có bệnh lý gan mạn và thận mạn cải thiện tỷ lệ sống còn, cải thiện chất lượng sống, góp phần giảm áp lực cho gia đình và xã hội. Kết quả đạt được sau gần hai thập kỷ kể từ khi triển khai những bước đầu tiên trong lĩnh vực ghép tạng tại Bệnh viên Nhi đồng 2 gồm 31 ca ghép gan và 24 ca ghép thận, trong đó có 02 ca ghép thận từ người hiến thận chết não. Trên cơ sở đó, Bệnh viện sẽ tiếp tục phát triển và khẳng định vị trí Trung tâm ghép tạng trẻ em hàng đầu tại miền Nam, Việt Nam.
12. Thành tựu y khoa: Phẫu thuật bảo tồn sinh sản trong ung thư cổ tử cung tại bệnh viện Ung Bướu (BV Ung Bướu TPHCM)
Ung thư cổ tử cung thường được chẩn đoán ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Việc phẫu thuật cắt tử cung hoặc hóa – xạ trị triệt để đều dẫn đến việc người bệnh sẽ không còn khả năng sinh con được nữa. Trong những năm gần đây, Bệnh viện đã triển khai kỹ thuật phẫu thuật các trường hợp nữ trẻ bị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm và trị bảo tồn được chức năng sinh sản, với phương pháp cắt cổ tử cung tận gốc cho tỷ lệ sống còn trên 90%. Đến nay, bệnh viện đã có 14 phụ nữ trẻ được chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm được phẫu thuật cắt cổ tử cung tận gốc tại Khoa Ngoại 2, Cắt cổ tử cung tận gốc cho tỷ lệ sống còn trên 90%. Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Đặc biệt, trong đó có một trường hợp đã sinh con thành công với một bé trai khỏe mạnh vào tháng 4/2021.
13. Thành tựu y khoa: Phẫu thuật bắt cầu mạch vành ít xâm lấn (Viện Tim TPHCM)
Đây là kỹ thuật thực hiện với đường mổ nhỏ ở ngực bên trái, có nhiều lợi ích hơn so với phẫu thuật bắc cầu mạch vành kinh điển (phải cưa xương ở giữa ngực dài từ cổ xuống bụng khoảng 20 cm). Các ưu điểm nổi bật bao gồm: Đường mổ nhỏ (chỉ khoảng 6 cm), ít đau sau mổ hơn; Sẹo mổ nhỏ, tính thẩm mỹ cao do sẹo mổ được che bớt bởi cánh tay; Giảm nguy cơ nhiễm trùng, nhất là nhiễm trùng xương ức là một trong những biến chứng nặng nề nhất; Giảm lượng máu mất, giảm tỉ lệ phải truyền máu trong mổ; Thời gian hồi phục sau mổ được rút ngắn: Thời gian nằm hồi sức khoảng 1 – 2 ngày, thời gian hậu phẫu trung bình khoảng 3 – 5 ngày và người bệnh có thể quay lại sinh hoạt và làm việc bình thường sau khoảng 2 tuần khi so với trung bình 6 tháng đối với phẫu thuật bắc cầu thông thường. Ngoài ra do không sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể, nên có thể hạn chế được những biến chứng như suy thận, rối loạn đông máu, đột quỵ.…
14. Thành tựu y khoa: Phổ biến điều trị bàn chân khoèo bằng phương pháp Ponseti (BV Chấn thương Chỉnh hình)
Bàn chân khoèo sơ sinh là một bệnh lý thường gặp đối với trẻ sơ sinh, nếu không điều trị kịp thời và đúng cách thì có thể sẽ trở thành một dị tật suốt đời cho trẻ, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống sau này. Điều trị bàn chân khèo bẩm sinh theo phương pháp Ponseti là một cuộc cách mạng về kỹ thuật bó bột chỉnh hình nắn sửa các biến dạng vùng bàn, cổ chân mà tâm điểm là thay đổi trục xương sên và kéo dãn các dây chằng quanh xương sên. Với Phương pháp Ponseti, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình đã triển khai nhân rộng đến nhiều bệnh viện trên địa bàn Thành phố và các tỉnh phía Nam, để những trẻ sinh ra bị chân khoèo được điều trị sớm và mau chóng đi lại bình thường.
15. Thành tựu y khoa: Phối hợp Sản – Nhi can thiệp ngoài tử cung lúc sanh cứu sống trẻ sơ sinh khi chưa rời khỏi bụng mẹ (BV Từ Dũ – BV Nhi Đồng 1)
Điều trị trong tử cung (EXIT) tiến hành cùng với mổ lấy thai nhằm kiểm soát đường thở ở thai nhi có bướu khổng lồ vùng cổ, nguy cơ tử vong do tắc đường thở ngay sau sinh. “Công trình” phối hợp giữa Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 từ năm 2019. Thai kỳ được siêu âm tầm soát để chẩn đoán sớm, đánh giá mức xâm lấn bằng cộng hưởng từ để lập kế hoạch can thiệp. Có 6 trẻ được cứu sống nhờ thực hiện EXIT tại bệnh viện Từ Dũ, sau đó bệnh nhi được chuyển đến Khoa Hồi sức sơ sinh của Bệnh viện Nhi đồng 1 để được tiến hành phẫu thuật tiếp theo. EXIT an toàn cho thai nhờ bảo toàn tuần hoàn tử cung-nhau và an toàn cho mẹ do thời gian ngắn dưới 5 phút.
16. Thành tựu y khoa: Rối loạn chuyển hoá bẩm sinh – Hành trình tìm lại sự sống (BV Nhi Đồng 1)
Rối loạn chuyển hóa bẩm sinh là một trong những nhóm bệnh hiếm đang đối mặt với rất nhiều thách thức trong chẩn đoán và điều trị. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ có nguy cơ tử vong ngay trong giai đoạn sơ sinh, trước khi có chẩn đoán xác định. Từ tháng 12/2018 đến nay, với mục tiêu “Chung tay vì trẻ em bệnh hiếm”, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tiếp nhận điều trị và cứu sống hơn 500 trẻ em mắc bệnh rối loạn chuyển hoá bẩm sinh, đưa các em trở về với cuộc sống bình thường. “Không bao giờ bỏ cuộc” đã trở thành kim chỉ nam của Bệnh viện trong hành trình tìm lại sự sống cho bệnh nhi rối loạn chuyển hóa.
17. Thành tựu y khoa: Trung tâm sinh lý thần kinh lâm sàng: mô hình chăm sóc mới cho người Việt, từ đột quỵ đến trầm cảm – những căn bệnh của thời đại (BV Quân Y 175)
Hệ thần kinh – “bộ máy” điều khiển hầu hết hoạt động cơ thể nhưng tại Việt Nam chưa có khoa riêng về thăm dò chức năng, trong khi khá nhiều bệnh viện đã lập khoa thăm dò chức năng về tim mạch, hô hấp. Việc xác định các tổn thương hay bất thường của các vùng não càng chính xác càng giúp việc chẩn đoán và điều trị đạt hiệu quả cao. Trung tâm sinh lý thần kinh lâm sàng của Bệnh viện Quân y 175 được hình thành trên cơ sở ứng dụng những tiến bộ trong lĩnh vực Sinh lý thần kinh lâm sàng trên thế giới giúp giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến chức nặng của hệ thần kinh ứng dụng trong nhiều bệnh lý như: Đột quỵ, Parkinson, sa sút trí tuệ, trầm cảm, các bệnh lý của hệ tiền đình, bệnh lý thần kinh cơ, rối loạn vận động. Đặc biệt các kĩ thuật triển khai tại trung tâm có ý nghĩa trong nhiều trường hợp bệnh lý khó được giải quyết triệt để: Nhận diện nguồn gốc trầm cảm do bệnh lý chuyển hóa có nguồn gốc di truyền để điều trị cá thể hóa, giảm đau không dùng thuốc tránh tác dụng phụ lệ thuộc thuốc, mang lại những giấc ngủ ngon sau nhiều năm mất ngủ kinh niên kém đáp ứng với thuốc.
18. Thành tựu y khoa: Phẫu thuật điều trị bệnh lý xốp xơ tai (BV Tai Mũi Họng)
Xốp xơ tai là một bệnh lý thực thể gây cứng khớp chuỗi xương con trong tai, người bệnh sẽ có các triệu chứng khó chịu như nghe kém, ù tai; ảnh hưởng nặng đến khả năng giao tiếp, công việc cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Phẫu thuật can thiệp tạo cửa sổ nhỏ trên đế xương bàn đạp và dùng trụ dẫn nhân tạo (còn gọi là prosthesis) để thay thế xương bàn đạp là một phẫu thuật vi phẫu được thực hiện dưới kính hiền vi phối hợp với nội soi và là kỹ thuật tiên tiến trên thế giới hiện nay, mang lại hiệu quả cao cho người bệnh. Phẫu thuật này đã được thực hiện tại bệnh viện Tai Mũi Họng từ năm 2016, tính đến nay đã phẫu thuật cho hơn 400 người bệnh. Hầu hết người bệnh đều cải thiện chức năng nghe sau phẫu thuật, trong đó có rất nhiều người đã phục hồi hoàn toàn thính lực. Điều này giúp giải quyết được những hạn chế trong giao tiếp và công việc cho người bệnh, không còn tự ti vì nghe kém, từ đó giúp nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như mang lại sự hài lòng cho người bệnh. Việc ứng dụng kỹ thuật phẫu thuật tiên tiến này còn được Bệnh viện Tai Mũi Họng chuyển giao cho một số bệnh viện khác của tuyến thành phố và tuyến tỉnh, giúp cho phẫu thuật này được phổ biến, góp phần vào nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh lý tai chung cho cộng đồng.
19. Thành tựu y khoa: Ứng dụng phương pháp phẫu thuật mở góc tiền phòng kết hợp rửa góc tiền phòng trong điều trị Glocom thứ phát do Corticoid (BV Mắt)
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến giảm thị lực và mù loà không hồi phục ở những người bệnh sử dụng corticoid kéo dài. Đa số người bệnh được điều trị với corticoid trong thời gian dài, nhãn áp tăng rất cao cần điều trị phối hợp nhiều loại thuốc nhỏ hạ nhãn áp, làm tăng gánh nặng về kinh tế, hiêu quả điều trị cũng thấp. Khi điều trị nội khoa không hiệu quả, vấn đề phẫu thuật được đặt ra.
Với phương pháp phẫu thuật trước đây, dễ xảy ra tình trạng viêm và xơ sẹo nhiều làm tỷ lệ thất bại cao, người bệnh cần phải phẫu thuật thêm nhiều lần. Ngoài ra, những phẫu thuật này có nguy cơ cao xuất hiện những biến chứng nguy hiểm đe doạ thị lực của người bệnh. Để hạn chế những biến chứng không mong muốn, và tăng hiệu quả điều trị, Bệnh viện Mắt đã áp dụng phương pháp phẫu thuật mở góc tiền phòng kèm rửa góc tiền phòng (nhằm rửa đi lắng đọng glycosaminoglycan) giúp tái lặp con đường thoát lưu thuỷ dịch nội tại của mắt và giải quyết nguyên nhân chính của tình trạng tăng nhãn áp. Đây là một phẫu thuật kết hợp mới, ít xâm lấn, có hiệu quả kinh tế cao và an toàn trong điều trị glôcôm do corticoid. Phẫu thuật này được đưa vào phác đồ điều trị của bệnh viện và có thể được khuyến cáo sử dụng rộng rãi tại các cơ sở nhãn khoa tại Việt nam cũng như trên thế giới nhằm mang lại thị lực và chất lượng thị giác tốt nhất cho người bệnh.
Trích nguồn: Cổng thông tin điện tử ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh
Tham khảo thêm thông tin của Sở Y tế tại đây