Điều kiện không thể thiếu khi muốn củng cố và phát triển y tế cơ sở: Hình thành và phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng

Tư vấn chuyên môn bài viết:

Ths.BS LÊ VIẾT TRÍ

Tư vấn chuyên môn

Điều kiện không thể thiếu để Hình thành và phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng

Điều kiện không thể thiếu khi muốn củng cố và phát triển y tế cơ sở: Hình thành và phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng
Một tổ Covid-19 cộng đồng ở huyện Nhà Bè tuyên truyền về công tác phòng chống dịch (tháng 7/2021 – Ảnh: Quang Huy – Tin tức)

Hình ảnh sống động nhất của mô hình cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng chính là các Tổ Covid cộng đồng trong trong cuộc chiến chống Covid-19 trên địa bàn Thành phố vừa qua. Tổ Covid cộng đồng thường xuyên tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân các biện pháp phòng, chống dịch tới từng hộ gia đình; yêu cầu và hướng dẫn người dân theo dõi sức khoẻ và khai báo y tế điện tử hàng ngày. Tổ sử dụng các hình thức tuyên truyền cần phù hợp theo tình hình dịch, khuyến khích thành lập và sử dụng tốt các group zalo, viber theo từng tổ dân phố. Đồng thời, Tổ chịu trách nhiệm thăm hỏi, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay chính quyền địa phương, trạm y tế phường những trường hợp nghi mắc Covid-19 tại các hộ gia đình; trợ giúp chính quyền địa phương, trạm y tế truy vết và giám sát F1, F2 khi có ca bệnh liên quan. Bện cạnh đó, Tổ còn phối hợp với cảnh sát khu vực giám sát, quản lý địa bàn và phát hiện ngay những trường hợp nhân khẩu mới từ các địa phương khác, các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép hoặc đến từ các vùng có dịch, các trường hợp có yếu tố dịch tễ (tiếp xúc gần, tiếp xúc xa với người nghi nhiễm Covid-19, đối tượng F1, F2); báo cáo chính quyền địa phương và Trạm Y tế phường. Ngoài ra, Tổ còn chủ động hướng dẫn, nhắc nhở những trường hợp phát hiện vi phạm các quy định về phòng chống dịch tại địa bàn quản lý (ở mức độ đơn giản); trường hợp không chấp hành hoặc vụ việc phức tạp thì báo cáo ngay chính quyền địa phương xử lý, giải quyết.

Làm thế nào phát huy và duy trì được mô hình hoạt động rất hiệu quả của Tổ Covid cộng đồng trong “thời chiến chống dịch Covid-19” cho các hoạt động phòng chống bệnh tật trong cộng đồng, cụ thể như phòng chống các các dịch bệnh mới nổi và dịch bệnh lưu hành, và nhất là phòng chống các bệnh mạn tính không lây? Nếu không có mạng lưới các cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng như mô hình các Tổ Covid thì các trạm y tế phường, xã khó có thể hoàn thành các mục tiêu đề ra trong công tác y tế cộng đồng. Đây thật sự là một thách thức không nhỏ đối với các nhà quản lý của Ngành Y tế Thành phố, cần phải bám sát vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, cần phải căn cứ vào kinh nghiệm của các nước và các khuyến cáo của WHO để tham mưu cơ chế, chính sách giúp củng cố, hình thành và phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng – phải xem là đây là một điều kiện cần không thể thiếu khi muốn củng cố và phát triển y tế cơ sở.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc xây dựng mạng lưới và đào tạo các cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng sẽ giúp tăng cường tiếp cận dịch vụ sức khỏe cộng đồng, tăng khả năng phát hiện và phòng chống bệnh tật, đồng thời cải thiện chất lượng cuộc sống của cộng đồng. Các cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng có những nhiệm vụ chính sau đây:

(1) Phát hiện, theo dõi và báo cáo các trường hợp bệnh tật: Cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng được đào tạo để nhận diện các triệu chứng và dấu hiệu của các bệnh tật trong cộng đồng. Họ theo dõi các trường hợp bệnh tật và báo cáo cho các cơ quan chức năng để có các biện pháp kiểm soát và phòng ngừa lây lan bệnh.

(2) Giáo dục và tư vấn sức khỏe: Cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng giúp cộng đồng hiểu rõ hơn về các vấn đề liên quan đến sức khỏe như dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân và môi trường, và các biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh tật.

(3) Hỗ trợ trong việc quản lý bệnh tật: Cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng có thể hỗ trợ trong việc phòng ngừa, điều trị và quản lý các bệnh tật trong cộng đồng, đặc biệt là các bệnh mạn tính không lây. Họ cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ cho các cá nhân bị bệnh để đảm bảo việc điều trị và chăm sóc đúng cách.

(4) Giúp tạo ra môi trường sống khỏe mạnh: Cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng có thể hỗ trợ trong việc tạo ra môi trường sống khỏe mạnh bằng cách hướng dẫn cộng đồng về vệ sinh môi trường, khuyến khích tập thể dục và các hoạt động giảm stress. Họ cũng có thể hỗ trợ trong việc cải thiện môi trường sống, ví dụ như đưa ra các giải pháp để giảm thiểu tác động của ô nhiễm môi trường, giảm thiểu sự lây lan của bệnh tật và tăng cường an toàn thực phẩm.

Tại các nước đang phát triển, mạng lưới cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng là một phương pháp phổ biến được sử dụng để cải thiện sức khoẻ cộng đồng tại các nước kém phát triển. Có nhiều chứng cứ khoa học cho thấy hiệu quả của mạng lưới cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng tại các nước kém phát triển, như: (1) Giảm tỷ lệ tử vong trẻ em: một nghiên cứu tại Ghana đã chỉ ra rằng việc triển khai mạng lưới CHW đã giảm tỷ lệ tử vong trẻ em từ 75/1.000 xuống còn 45/1.000 trẻ; (2) Cải thiện sức khỏe sinh sản: Mạng lưới CHW giúp cải thiện sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, một nghiên cứu tại Bangladesh cho thấy việc triển khai mạng lưới CHW đã giúp tăng tỷ lệ sử dụng phương pháp tránh thai từ 14% lên 52% trong cộng đồng; (3) Giảm tỷ lệ nhiễm HIV, một nghiên cứu tại Kenya đã chỉ ra rằng việc triển khai mạng lưới CHW đã giảm tỷ lệ nhiễm HIV từ 14,7% xuống còn 8,3%; (4) Cải thiện sức khỏe tâm thần, một nghiên cứu tại Pakistan, việc triển khai mạng lưới CHW đã giảm tỷ lệ trầm cảm từ 54% xuống còn 19% trong cộng đồng. Tại Ấn Độ, Colombia, các CHW được huấn luyện để quản lý bệnh tiểu đường, kết quả cho thấy CHW đã giúp cải thiện việc kiểm soát đường huyết và giảm các biến chứng cho người dân mắc bệnh tiểu đường. Tại Brasil, Philippines, CHW được huấn luyện để giúp quản lý bệnh cao huyết áp, kết quả cho thấy các CHW đã giúp cải thiện việc kiểm soát huyết áp cao và giảm tỷ lệ đột quỵ. Tại Kenya, CHW được huấn luyện để giúp phát hiện và quản lý bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), kết quả cho thấy CHW đã giúp tăng tỷ lệ phát hiện và kiểm soát COPD,… Tóm lại, thực tế tại nhiều nước đang phát triển cho thấy việc sử dụng CHW trong quản lý các bệnh không lây là một giải pháp hiệu quả và tiếp cận được trong việc cải thiện sức khỏe cho cộng đồng, đặc biệt là ở các vùng có tỷ lệ tiếp cận dịch vụ y tế thấp.

Tại các nước đã phát triển, mạng lưới cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng vẫn được hình thành và phát triển giúp cải thiện sức khoẻ cộng đồng. Các mạng lưới này thường được xây dựng trên cơ sở các tổ chức cộng đồng, tổ chức tôn giáo, các nhóm tình nguyện và các nhóm quan tâm đến sức khoẻ cộng đồng. Tùy thuộc vào quy mô và phạm vi của mạng lưới, các cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng có thể có các nhiệm vụ khác nhau, bao gồm tư vấn về sức khoẻ, phát hiện các vấn đề sức khoẻ cộng đồng, giới thiệu các chương trình phòng ngừa và điều trị bệnh, cùng với nhiều hoạt động khác nhằm tăng cường sức khoẻ cộng đồng. Tại Mỹ, việc sử dụng các cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng giúp làm tăng tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em, ngoài ra, cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng còn làm tăng tỷ lệ khám sức khoẻ định kỳ ở người lớn. Tại Canada, việc sử dụng các cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng đã làm giảm tỷ lệ tái nhập viện cho trẻ em có triệu chứng viêm phổi do các cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng đã được huấn luyện để hỗ trợ cho các gia đình có trẻ em bị viêm phổi, và kết quả cho thấy tỷ lệ tái nhập viện đã giảm rõ. Tại Anh, sử dụng các cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng đã chứng minh hiệu quả giúp tăng cường sức khoẻ tâm thần cho người cao tuổi, các cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng đã được huấn luyện để cung cấp hỗ trợ tâm lý cho người cao tuổi, và kết quả cho thấy những người tham gia chương trình này có tình trạng tâm thần tốt hơn rõ rệt. Tại Nhật Bản, “Kenko Nippon 21” là chương trình sức khoẻ quốc gia của Nhật Bản nhằm tăng cường sức khỏe cộng đồng và ngăn ngừa bệnh tật, chương trình được khởi xướng vào năm 2000 và được Chính phủ Nhật Bản tài trợ. Các cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng của chương trình gọi là Kenko Sodan-shi, họ được đào tạo để cung cấp thông tin về sức khỏe cho người dân địa phương và giúp họ duy trì một lối sống lành mạnh, thường xuyên tham gia các hoạt động về sức khỏe cộng đồng, bao gồm tư vấn dinh dưỡng, tập thể dục, kiểm tra sức khỏe và các chương trình giáo dục sức khỏe, họ có trách nhiệm định kỳ theo dõi và đánh giá sức khỏe của cộng đồng địa phương và đưa ra các giải pháp để giảm thiểu các vấn đề về sức khỏe. Kenko Sodan-shi là một phần quan trọng của chương trình quốc gia Kenko Nippon 21 của Nhật Bản, chương trình này đã đạt được nhiều thành công trong việc nâng cao sức khỏe cộng đồng tại Nhật Bản và được mở rộng và phát triển trên toàn quốc.

Bài học kinh nghiệm về các Tổ Covid cộng đồng vẫn còn đó nguyên giá trị, những bằng chứng khoa học về tính hiệu quả của mô hình cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng được đút kết từ nhiều nước trên Thế giới, Ngành Y tế Thành phố đã đăng ký, xây dựng đề án “Củng cố và phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng trên địa bàn TPHCM”, mong rằng sẽ được Hội đồng Nhân dân Thành phố xem xét, đánh giá và biểu quyết thông qua nhằm tạo dựng những cánh tay nối dài của các trạm y tế trong triển khai các hoạt động chăm sóc sức khoẻ cộng đồng đến từng hộ dân, từng người dân trên địa bàn.

Trích nguồn: Cổng thông tin điện tử ngành Y tế TP. Hồ Chí Minh

Tham khảo thêm thông tin của Sở Y tế tại đây

*_Thông tin bài viết mang tính chất tham khảo chung cho tất cả khách hàng, tuy nhiên tùy vào cơ địa mỗi người sẽ khác nhau, để chỉnh xác nhất bạn nên đặt lịch hoặc đến bệnh viện để bác sĩ chuyên môn tư vấn trực tiếp.

Bình Luận

Gọi điện Báo giá Ưu đãi